HỒ CHỦ TỊCH DẠY CÁCH VIẾT BÁO

(Xây dựng) - Hôm nay Bác nói về cách viết, đặc biệt là viết ngắn. Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy.

Trong các báo, có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói cái gì; đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói cái gì. Thế là vô ích.

- Vì ai mà mình viết?
- Mục đích viết làm gì?
Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?
- Viết cho đại đa số: Công - Nông - Binh.
Viết để làm gì?
- Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng.
Thế thì viết cái gì?
Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: Ta, bạn, thù thì viết mới đúng.
Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra.
Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn; chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền...
Còn đối địch thì thế nào?
Thì nêu những cái xấu của nó để cho bồ đội ta, đồng bào ta biết là chúng nó độc ác thế nào, xấu xa thế nào, để gây lòng căm thù đối với quân địch.
Sự hung ác, xấu xa của chúng nó rất nhiều, nếu biết gom góp tài liệu thì tha hồ mà viết. Có những việc chúng nó làm, bên ngoài thì như là tốt, mà bên trong thì thật là xấu, ta phải giải thích cho nhân dân ta hiểu.
Thí dụ: Trong vùng địch, Pháp có khi “phát chuẩn” hay là Mỹ “giúp” để tuyên truyền, để mua chuộc. Sự thực là chúng đã cướp chỗ này rồi “giúp” chỗ khác. Một thí dụ ấy đủ để biết cái xấu của nó rõ rệt rồi. Nhưng nếu không biết xem xét thì tưởng nó làm như thế là tốt.
Lấy tài liệu đâu mà viết?
Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là:
1. Nghe: lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết.
2. Hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi.
3. Thấy: mình phải đi đến, xem xét mà thấy.
4. Xem: xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài.
5. Ghi: những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết. Có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu thôi. Tìm tài liệu cũng như những công tác khác, phải chịu khó.
Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác, rồi góp 2, 3 vấn đề, 2, 3 con số làm thành một tài liệu mà viết.
Muốn có nhiều tài liệu thì phải xem cho rộng.
Xem báo Trung Quốc, báo Liên Xô, báo Anh, báo Pháp… xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy.
Một thí dụ: Bên Liên Xô có những thành công về công nghệ, về nông nghiệp, chỉ nói thế thôi có được không?
Cố nhiên là được. Nhưng nên biết cũng trong năm ấy, cũng trong mùa ấy, mà mức công nghệ, nông nghiệp ở Liên Xô, ở Trung Quốc, ở các nước bạn lên thế nào, còn ở Pháp, ở Mỹ, ở Anh sút kém như thế nào để mà so sánh. Như thế thì người đọc sẽ thấy ngay bên nào tiến, bên nào thoái.
Cách viết thế nào?
Trước hết là cần phải tránh cái lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”. Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; Nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều. Bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, thí dụ: “Độc lập”, “Tự do”, “Hạnh phúc” là những chữ Trung Quốc, nhưng ta không có chữ gì dịch thì cố nhiên phải dùng. Nếu quá tả không mượn, không dùng, hoặc là nói: Việt Nam “đứng một” thì không ai hiểu được.
- Chớ ham dùng chữ - các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Cán bộ cũng hay dùng chữ lắm, dùng lung tung; nhiều khi không đúng.
- Vài thí dụ: 3 tháng thì không nói 3 tháng, lại nói “tam cá nguyệt”. Đánh vào sâu thì nói “tung thâm”, xem xét thì nói “quan sát”…
Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi.
Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng. Có nhà thơ nào nói: “Tóc cười, tay hát” thì thật là “hoang vu”! Có nhà văn nói: “Cặp mắt ông cụ già dĩnh ngộ” thì thật là “ngộ nghĩnh”!
Chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta.
Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?
Vài thí dụ: Chống tham ô, lãng phí thì nêu rõ ai tham ô, ai lãng phí? Cơ quan nào tham ô? Lãng phí cách thế nào? Ngày tháng nào… chớ viết lung tung.
Nói du kích đánh thắng, đánh thắng ngày nào? Thắng cách thế nào? Giết được bao nhiêu địch, bắt bao nhiêu địch, thu được bao nhiêu súng?... Phải nói rõ ràng, đồng thời chớ lộ bí mật.
Viết rồi phải thế nào?
Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi. Đọc đi, đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi, đọc lại, sửa đi, sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi vẫn chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại.
Cách viết truyền đơn cũng thế, viết báo cũng thế, viết báo cáo, viết gì cũng thế.
Viết truyện có nhiều ngóc ngạnh thì phải nắm lấy cái chính, không nên kể con cà con kê. Nhằm lấy điểm chính mà viết.
Phải giữ bí mật:
Trong lúc viết, thì phải chú ý giữ bí mật. Các báo chí của ta rất kém giữ bí mật.
Có khi số báo nào cũng có lộ bí mật.
Thí dụ: Như nói thanh niên du kích lẫn vào mấy bà con đi chợ cầm đòn gánh, lúc gặp lính giặc, thì mấy thanh niên quật giặc chết.
Về sau cứ phiên chợ nào có thanh niên là bị địch vớ.
Một thì dụ khác: Giặc vào quét làng, dân chạy hết. Có một chị phụ nữ giả ốm ở lại, mỗi tối chị ấy mang cháo cho anh thương binh ở dưới hầm bí mật. Hầm có một… (lỗ thông hơi) để cho anh ấy thở và chị ấy đổ cháo xuống.
Đó là một việc oanh liệt đáng nêu lên. Nhưng vì viết không khéo làm lộ bí mật, về sau Tây cứ đi tìm hầm bí mật, chỗ nào có…, là nó nhất định đào cho được.
Thế là viết mà không biết giữ bí mật. Chớ nêu rõ địa điểm, tên người, cho địch biết.
Viết khẩu hiệu:
Có những khẩu hiểu viết rất to, nhưng Hồ Chủ tịch cũng không hiểu vì viết tắt cả một đống. Không ai đọc được, có lẽ chỉ có anh viết khẩu hiệu ấy đọc được thôi, Hồ Chủ tịch không hiểu thì chắc dân cũng ít người hiểu.
Lại có cách viết “hoa hòe”, chữ U không ra chữ U, chữ N không ra chữ N, chữ I không ra chữ I. Họ cho thế là mỹ thuật. Cách viết thế, các nói cũng thế. Nói phải cho gọn gàng, có đầu có đuôi, có nội dung. Nói lung tung như nhiều người cán bộ nói ở các buổi mít tinh, nói rồi không biết đường nào mà đi ra nữa, thôi đi thì cũng dở, nói nữa thì không biết nói gì! Nói ít, nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn.
Muốn nói gì phải chuẩn bị trước.
Cách viết và cách nói đại khái như thế.
Kinh nghiệm Bác viết thế nào?
Sau Thế giới chiến tranh lần thứ nhất, Bác ở Pháp. Muốn tuyên truyền cho nước ta, nhưng không viết được chữ Pháp. Làm thế nào bây giờ?
Nhất định phải học viết cho kỳ được.
Có một đồng chí làm trong tờ báo Sinh hoạt công nhân bảo: “Có tài liệu gì, anh cứ viết, rồi tôi đăng cho”.
Bác nói: “Tài liệu thì có, chỉ tội tôi không viết được. Đồng chí nói: “Anh cứ viết 3 dòng, 5 dòng cũng được. Có thể nào thì viết thế ấy. Nếu có sai mẹo mực thì tôi sửa cho”.
Thế là từ đấy trở đi, mình học viết báo. Viết 3, 4 dòng. Khi viết rồi, chép ra 2 miếng, 1 miếng gửi cho nhà báo, 1 miếng mình giữ lại.
Lần đầu tiên bài mình được đăng báo, có thế nói là sướng nhất trong đời người. Mình đem bài báo đã đăng rồi với cái miếng mình đã giữ lại, so lại coi thử sai lạc chỗ nào, họ sửa cho thế nào.
Cách ít lâu, đồng chí nói: “Anh viết được 3 dòng rồi, bây giờ kéo dài ra!”. Mình cố gắng kéo dài mãi, cho đến lúc viết được 10 dòng.
Đồng chí ấy lại nói: “Anh kéo dài nữa đi, cho tài liệu thành một bào nhỏ!”. Thế là mình cứ kéo, đồng chí cứ sửa, cứ khuyến khích mình.
Cách giáo dục như thế thật là tốt. Cứ kéo, kéo, kéo đến khi viết hết một cột, rồi hơn một cột, rồi một cột rưỡi.
Thế rồi đồng chí ấy nói: “À, bây giờ anh viết được rồi, anh nên làm cách khác. Rút ngắn lại”.
Thật là rầy rà! Trước thì bắt kéo dài, bây giờ lại bắt rút ngắn! Nhưng mà đồng chí ấy nói: “Anh kéo dài được, thì bây giờ rút ngắn cũng được. Từ một cột rưỡi, nay chỉ viết một cột thôi. Viết cho thật chặt, xem đi xem lại, những cái gì lôi thôi, dài dòng không cần thiết thì bỏ nó đi…”. Thế rồi mình phải đếm từng chữ. Một dòng có mấy chữ, một cột thì có mấy dòng. Nó có số chữ của nó rồi, đếm từng chữ mà viết cũng khó chứ không phải dễ. Kết quả là rút được.
Cách ít lâu, đồng chí ấy lại nói: “Bây giờ rút nữa đi”. Mình cứ phải rút, lần này qua lần khác, cho đến lúc rút chỉ còn 10 dòng.
Đồng chí nói: “Được rồi đấy, viết dài được, viết ngắn được, bây giờ có vấn đề gì, thì viết dài hoặc viết ngắn tùy ý anh”.
Đồng chí ấy thường nhắc mình: “Câu kéo thì phải viết cho rõ ràng, minh bạch, chớ có lủng củng, chữ nào không hiểu mà muốn dùng thì hỏi anh em, chớ có dùng ẩu”.
Đấy là đồng chí ấy cũng là một người công nhân, tự học viết văn rồi phụ trách tờ báo này.
Mình viết được là nhờ đồng chí ấy chịu khó dạy, giúp đỡ.
Lúc viết được báo rồi, lại có một ý muốn là viết truyện ngắn. Đó là một sự cả gan!
Dám viết thử, là vì có một hôm xem hai quyển truyện nhỏ, một quyển của Anatôn Phrăngxơ, một quyển nữa là của ông Tônxtôi. Xem thấy các ông ấy viết giản đơn lắm, dễ hiểu lắm.
Thử viết một truyện ngắn về đời sống của công nhân Pari mà mình biết rất rõ vì tự mình cũng là công nhân. Viết xong đưa đến ban văn nghệ của báo Đảng, là báo Nhân đạo và nói với các đồng chí ấy: “Đấy tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí cho đăng, chỗ nào cần phải sửa, thì nhờ các đồng chí sửa cho, tôi không có tính tự ái, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm”.
Truyện ấy được đăng lên báo. Đó là lần thứ hai mà mình thấy sung sướng!
Rồi mình chỉ viết truyện thật ở nước ta và các thuộc địa Pháp. Các đồng chí cũng thích là vì có những chuyện ở thuộc địa mà các đồng chí ấy không biết và những người đọc cũng không biết.
Có thể nói, từ lúc bắt đầu viết mấy dòng cho đến bây giờ, mình chỉ thích viết những truyện nước mình và các thuộc địa và chỉ để đập thực dân Pháp.
Cách mạng tháng Tám thành công, viết bài Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là lần thứ ba mà mình thấy sung sướng.
Bây giờ, khi Bác viết gì cũng đưa cho một số đồng chí xem lại, chỗ nào khó hiểu thì các đồng chí bảo cho mình sửa chữa.
Nói tóm lại viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê và phê bình mà tiến bộ.
Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được.
NGUỒN: BÁO XÂY DỰNG

Nhận xét