PHẢN BÁC NHỮNG Ý KIẾN SAI LỆCH VÀ THIÊN VỊ CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN MINH THUYẾT VỀ PHÁT NGÔN CỦA ÔNG LƯU BÌNH NHƯỠNG

Ngày 9-11-2018, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa XI và XII, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XII đã đăng đàn trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Infonet (Cơ quan của Bộ Thông tin và truyền thông) về vụ việc phát ngôn của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Trong bài phát biểu được phóng viên có bút danh N. Huyền của báo điện tử Infonet đăng tải ngày 9-11-2018, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã đưa ra một số luận điểm. Các luận điểm này đã có trong bài báo được dẫn ra dưới đây nên tôi xin phép có mấy ý kiến với giáo sư thế này:
1- Giáo sư phát biểu rằng: “Luật pháp của rất nhiều nước và ngay Hiến pháp năm 1946 của nước ta cũng quy định đại biểu Quốc hội không phải chịu trách nhiệm hành chính và hình sự về những phát biểu của mình ở nghị trường. Luật pháp quy định như vậy để tạo không gian đối thoại hết sức cởi mở cho đại biểu, để đại biểu không ngại nói thẳng. Chứ nếu đại biểu nói động đến mấy cơ quan quyền lực mà bị quy chụp thì rồi ai dám nói nữa. Như thế người dân mất nhờ”.
- Tôi xin nói ngay rằng giáo sư đã sai ngay từ khi viện dẫn Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 cho trường hợp này. Bởi lẽ chúng ta đang sống và làm việc theo Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và hiện đang có hiệu lực thi hành.
- Điểm tiếp theo cần lưu ý rằng đại biểu quốc hội được miễn một số biện pháp điều tra xử lý hình sự hoặc hành chính chứ không phải vì việc được miễn đó mà không chịu trách nhiệm hình sự và hành chính, ngay cả đối với các phát ngôn của mình nếu các phát ngôn đó vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chẳng hạn như vi phạm Điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, đai biểu quốc hội vẫn phải chịu trách nhiệm về đạo đức đối với các phát ngôn của mình. Nếu đại biểu là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì theo Điều lệ Đảng, đại biểu Quốc hội-Đảng viên đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng về các phát ngôn của mình.
- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng “Luật pháp quy định như vậy để tạo không gian đối thoại hết sức cởi mở cho đại biểu, để đại biểu không ngại nói thẳng. Chứ nếu đại biểu nói động đến mấy cơ quan quyền lực mà bị quy chụp thì rồi ai dám nói nữa”.
Tôi xin trả lời ngày rằng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã “nói cong” chứ không “nói thẳng”. Nếu ông Thuyết đọc kỹ lại những phân tích của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu về việc viện dẫn số liệu, cách sử dụng số liệu, cách tính toán sai lầm của ông Lưu Bình Nhưỡng thì ông sẽ thấy phát ngôn của ông Nhưỡng “cong” đến mức nào. Và ông Lưu Bình Nhưỡng cũng không hề “nói thẳng” theo nghĩa đúng đắn của từ này mà đã bịa đặt, cố tình tạo số liệu sai bằng cách tính toán sai để lấy cớ dựng chuyện.
Và tôi cũng xin hỏi lại giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rằng ai “được nhờ” bởi những phát ngôn sai trái đó ? “Dân” mà giáo sư Thuyết đề cập đến ở đây là dân nào ? “Dân lành” hay “dân gian” ?
2- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói: “Tôi không hoàn toàn tán thành ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trong phát biểu về công tác đầu tranh phòng chống tội phạm. Nhưng tôi cũng hoàn toàn không tán thành ứng xử của Đảng ủy Công an Trung ương” và Bộ Công an nếu muốn hiểu rõ ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng hoặc giải thích để đại biểu hiểu rõ thực tình thì nên tổ chức một cuộc gặp. Việc này rất đơn giản; miễn là không cao ngạo hoặc tự ái vặt thì gặp nhau chẳng khó gì. (phóng viên tóm tắt ý kiến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết).
Thứ nhất, tôi trả lời giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rằng đây không phải là ý kiến của Bộ Công an đề nghị Quốc hội xem xét sự việc phát ngôn của ông Lưu Bình Nhưỡng mà là ý kiến của Đảng ủy Công an Trung ương kiến nghị với Đảng đoàn Quốc hội. Đây là sự trao đổi ý kiến để xử lý vấn đề đối với đảng viên Lưu Bình Nhưỡng chứ không phải là Bộ Công an kiến nghị Quốc hội xử lý Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Việc một tổ chức Đảng có ý kiến đề nghị một tổ chức Đảng cùng cấp xem xét một sự việc của đảng viên do tổ chức Đảng ấy quản lý là điều hoàn toàn bình thường và cũng hoàn toàn phù hợp với luật pháp. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là một Đảng viên (được kết nạp năm 1991, đã có gần 30 năm tuổi Đảng) chẳng lẽ không hiểu được điều sơ đẳng này trong Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn thi hành ?
Thứ hai: Trên thực tế, đai biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại diện cho Bộ Công an đã có ý kiến trao đổi ngay tại phiên tranh luận ở nghị trường. Trước những chứng lý được nêu ra rất rành mạch, các số liệu được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xác nhận nhưng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng vẫn không thừa nhận sai lầm mà còn cố tình biện bạch, bảo thủ cái sai của mình. Ông Lưu Bình Nhưỡng còn lên trang facebook của mình cố tình biện bạch, đồng thời lôi kéo những người còn đang u u mê mê ủng hộ mình và có ý đe dọa những người chống lại ông ta. Thiết nghĩ như vậy là quá đủ cho một cuộc đối thoại.
3- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói: “Hoặc Bộ Công an có thể gửi thư, gửi công văn trao đổi riêng với đại biểu mà không nhất thiết phải nhân danh Đảng ủy Công an Trung ương gửi công văn cho Đảng đoàn Quốc hội để gợi ý chấn chỉnh đại biểu”
Tôi xin trả lời rằng cho dù Bộ Công an có tổ chức đối thoại với ông Lưu Bình Nhưỡng hay không thì việc Đảng ủy Công an Trung ương kiến nghị với Đảng đoàn Quốc hội là việc tổ chức Đảng kiến nghị với một tổ chức Đảng cùng cấp về xử lý vụ việc của đảng viên Lưu Bình Nhưỡng (được kết nạp Đảng ngày 24-8-1987) chứ không phải là xử lý một đại biểu Quốc hội.
Bởi bên cạnh quyền hạn, trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng còn có quyền hạn và trách nhiệm của một Đảng viên. Căn cứ để xem xét việc phát ngôn của đảng viên Lưu Bình Nhưỡng là quy định của Điều lệ Đảng về nhiệm vụ và quyền hạn của Đảng viên (Điều 2 và Điều 3); là Quy đinh 19 điều Đảng viên không được làm (ban hành kèm theo Quyết định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng); là Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; là Quy định số 102-QyĐ/TW ngày 15-11-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm.
Là một Đảng viên, không rõ Giáo sư Nguyễn Văn Thuyết đã đọc và nắm rõ các quy định nói trên chưa ?
Thứ ba: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nên nhận thấy rõ một điều rằng các phát biểu sai trái của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng được truyền hình trực tiếp và công khai, cả nước biết, cả thế giới biết chứ không phải là phiên họp kín. Trên thực tế, đại biểu Công an Nhân dân tại Quốc hội đã có trao đổi riêng với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng ngoài hành lang Quốc hội nhưng vì đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã cố tình không chấp nhận sai lầm của mình nên Bộ Công an buộc lòng phải công bố thông tin cho bàn dân thiên hạ hiểu đúng, hiểu rõ. Đó là phản ứng tự vệ hoàn toàn tương xứng với hành vi tấn công.
Tại sao phải làm như vậy ? Bởi những phát biểu sai trái của ông Lưu Bình Nhưỡng là công khai, có sức lan tỏa lớn nhất (cả thế giới biết) đã công kích vào lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam nên Bộ Công an cũng phải dùng biện pháp công khai để phản bác. Còn nếu làm như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đề nghị là gặp riêng để trao đổi thì đó là trò áo gấm đi đêm, là trò trẻ con và hiệu quả là lợi thế dư luận hoàn toàn thuộc về người đã có phát ngôn sai trái là ông Lưu Bình Nhưỡng.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết “khôn” thật ! Nhưng Bộ Công an thừa hiểu sự việc để không bao giờ làm theo cái “khôn” của giáo sư !
4- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội có ý kiến dứt khoát về vấn đề này, “tránh để ngành khác bắt chước”.
Ô hay ? Cổ nhân có câu “Bụt trên tòa thì gà nào mổ mắt ?”. Đây không phải là chuyện cao ngạo hay tự ái vặt mà giáo sư cố tình gán ghép (dù là cho riêng cá nhân một sĩ quan Công an Nhân dân hay cả hai bên) mà là danh dự của cả một lực lượng vũ trang đang bị ông Lưu Bình Nhưỡng xúc phạm. Một người bị vu oan giáng họa thì người đó phải có quyền tự vệ chứ ? Huống hồ đây là cả một tổ chức, một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đang bị vu khống ? Ngay như bản thân giáo sư, nếu giáo sư bị một nhóm tội phạm đến “áp đảo tại gia” thì giáo sư có “bắt chước” người bị hại khác để chống trả không ? Hay là giáo sư lại gọi cho Cảnh sát 113 đến giải cứu ?
Hay giáo sư định “tước vũ khí công luận” của Công an Nhân dân ?
5- Trong bài trả lời phỏng vấn, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có đề nghị “Các cơ quan công quyền cần rút kinh nghiệm, thể hiện sự tôn trọng ý kiến của đại biểu dân cử, coi đây là ý kiến của đại diện một bộ phận cử tri để có cách ứng xử văn minh với đại biểu.”.
Một lần nữa, tôi buộc phải nhắc lại với giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rằng Đảng ủy Công an Trung ương không phải là cơ quan công quyền. Cũng như Đảng đoàn Quốc hội không phải là cơ quan công quyền. Đó là hai tổ chức cấp dưới của một tổ chức chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam mà chính giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là một Đảng viên.
Còn về những lời phát biểu của Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Nghệ An thì tất cả những ai xem truyền hình trực tiếp phiên tranh luận cũng như xem lại các clip đều thấy rằng đó là những lời nói hết sức tế nhị, nhã nhặn và hết sức kiềm chế. Khỏi phải nhờ giáo sư “nhắc nhở” về cách ứng xử văn minh. Vậy theo giáo sư thì văn minh có nghĩa là phải ngồi im để nghe người ta chửi bới, vu khống mình sao ?
6- Cuối cùng, khi kết thúc câu chuyện, giáo sư Nguyễn Văn thuyết còn thòng một câu: “Tôi phát biểu điều này với tư cách cử tri. Mà cử tri là người ủy nhiệm cho đại biểu thay mặt mình thực hiện quyền làm chủ. Do đó, cũng hy vọng các đại biểu tiếp thu với tinh thần cầu thị, không chỉ trích hay hù dọa tôi”.
Tôi phải xin thưa thật rằng chẳng ai thèm hù dọa giáo sư làm gì. Cũng như cả lực lượng Công an Nhân dân chúng tôi chẳng hề hù dọa ông Lưu Bình Nhưỡng. Chúng tôi chỉ vạch ra những sai trái trong phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng để minh oan cho chính mình trước bàn dân thiên hạ. Nếu ông Nhưỡng phản bác lại thì cũng phải phản bác có lý, có tình, có chứng cứ minh bạch, rõ ràng, số liệu phải có nguồn gốc tin cậy. Nói tóm lại là phải tuân thủ Khoản 2, Điều 50, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Khoản đó ghi rõ: “Nội dung chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn.”
Đối với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng vậy. Trong bài này, tôi chỉ vạch ra những lập luận rất không ổn, những ý kiến sai trái, thiên vị của giáo sư chứ một cử nhân quèn như tôi thì lấy uy thế, uy quyền nào ra mà dọa một giáo sư đây ?

Nhận xét