Ngày
26/6, báo Người Đưa Tin là báo đầu tiên đăng tải bài viết Hà Giang:
“Lại một thí sinh ngủ quên, CSGT sử dụng xe chuyên dụng đưa đến điểm
thi” của tác giả Phạm Trọng Tùng. Sau khi bài viết được đăng tải, chúng
tôi nhận được rất nhiều bình luận khen ngợi, biểu dương hành động của
các chiến sĩ công an đã giúp cho nữ sinh kia không bị lỡ 12 năm đèn
sách. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, những hình
ảnh đó được dàn dựng và phóng viên báo Người Đưa Tin Phạm Trọng Tùng
chính là “đạo diễn”. Điều này, khiến cho phóng viên Tùng gặp không ít
rắc rối, kèm theo đó là những nỗi buồn khi mà ở đâu đó trong xã hội
người ta còn thiếu đi niềm tin vào những điều tốt đẹp. Ban Thư ký báo
Người Đưa Tin xin gửi tới độc giả bài ký sự, được chắp bút theo lời kể
của PV Phạm Trọng Tùng về sự việc này.
Tác
nghiệp tại Hà Giang ngày thi đầu tiên (ngày 25/6) - môn Ngữ văn, tôi
cùng gần 10 PV các báo khác đều từ Hà Nội lên ghi nhận thực tế tại điểm
thi trường THPT chuyên Hà Giang - điểm nóng gian lận năm 2018 khi có tới
3 thí sinh thuộc top 10 điểm cao nhất nước đều là thí sinh được sửa
điểm.
Ngay
đầu giờ sáng, khi tình hình cả nước vẫn “yên bình” thì Hà Giang đã “có
biến”. Một nữ sinh tên S. đi muộn, đến trường lúc 7h52 - trong khi thời
gian bắt đầu làm bài thi được tính từ 7h30. Dù đi muộn, em vẫn kịp buộc
tóc gọn gàng, thoa chút son môi.
Do
không được vào thi vì quá 15 phút kể từ khi tính giờ làm bài, nữ sinh
này đã bật khóc nức nở và dường như rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo
lắng. Em cho biết, em đi muộn vì... ngủ quên. Tin tức trên được các báo
đồng loạt đăng tải và thu hút sự quan tâm từ dư luận, phần nhiều tỏ ra
tiếc cho cô bé vừa bỏ lỡ sự cố gắng 12 năm đèn sách vì vài phút ngủ
quên.
Và
đến ngày thi thứ hai (ngày 26/6) - thi Tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên,
tôi cùng 3 đồng nghiệp khác quyết định rời điểm thi trường THPT chuyên
Hà Giang để đến trường THPT Lê Hồng Phong (TP.Hà Giang) chỉ cách địa
điểm cũ vài phút đi bộ.
Khoảng
7h15, sau khi các thí sinh ổn định trong phòng thi, chuẩn bị làm các
thủ tục cần thiết thì Điểm phó điểm thi trường THPT Lê Hồng Phong tiến
ra phía cổng, trao đổi với các chiến sĩ trực vòng ngoài về một trường
hợp thí sinh tên Yến chưa có mặt tại phòng thi. Hoàn cảnh của Yến được
vị Điểm phó kể sơ lược một vài thông tin như sống tại khu phố 5 phường
Quang Trung, bố đã mất, mẹ đi làm xa và sống cùng anh chị (có thể do
phòng thi có thí sinh là bạn của Yến và biết rõ hoàn cảnh của Yến và báo
với giám thị).
Ngay
lập tức, một chiến sĩ công an (Đại uý Vũ Đức Lợi - Phó trưởng Công an
phường Minh Khai) đã lái chiếc Wave đỏ cũ cùng một đồng chí CSGT đi xe
chuyên dụng hú còi tiến về phía phường Quang Trung. Với nhạy cảm nghề
nghiệp, xác định sắp có tin “hot”, tôi cùng một đồng nghiệp cũng leo lên
chiếc xe anh thuê được từ người dân địa phương với giá 150.000
đồng/ngày để bám theo hai chiến sĩ công an. Đáng tiếc, con xe cà tàng
không chịu hợp tác vào đúng lúc gay cấn nhất, không thể đuổi kịp xe
chuyên dụng, chúng tôi đành quay về điểm trường để chờ đợi.
Quả
nhiên, gần 15 phút sau, hàng chục phụ huynh đứng chờ con cùng các tình
nguyện viên nghe thấy tiếng còi hụ quay trở lại. Khi tất cả cùng ngóng
về một hướng, tôi đã giơ sẵn máy ảnh Nikon D5 (dòng máy hiện đại nhất
của Nikon) mang theo bên mình để bắt trọn những hình ảnh chân thực nhất.
Lúc
này, xuất hiện cùng hai chiến sĩ công an là em Trần Thị Yến, đầu tóc
rối bù, chân chỉ kịp xỏ vội đôi dép tổ ong rồi lao thẳng qua cổng trường
trước khi quá giờ quy định vào phòng thi.
Nhớ
lại hôm đó, chỉ vài phút sau, bài viết về sự việc hy hữu được đăng tải
trên báo Người Đưa Tin nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả
nước, không chỉ riêng tỉnh Hà Giang. Khoảnh khắc ấn tượng tôi chụp được
khi Đại uý Lợi hộ tống em Yến đến điểm thi thành công được lan truyền
nhanh chóng.
Phải
rất khó khăn tôi mới tiếp cận được Đại uý Lợi để khai thác thêm vài
thông tin mình đã bỏ lỡ trong chưa đầy 15 phút chỉ vì con xe cà tàng
phản chủ. Anh khéo léo từ chối chia sẻ vì “mình không phải người phát
ngôn của cơ quan chức năng” và ra về sau khi hết giờ thi.
Chỉ
đến khi PV phải gọi điện xin ý kiến Đồng chí Hoàng Văn Cương - Phó
trưởng Công an TP.Hà Giang, Đại uý Lợi mới quay trở lại điểm trường THPT
Lê Hồng Phong để trả lời phỏng vấn. Anh cho biết: “Nhận được thông tin
sơ bộ về thí sinh Yến từ Điểm phó điểm thi, chúng tôi đã triển khai lực
lượng đi xuống địa bàn phường Quang Trung tìm trực tiếp đến nhà của thí
sinh Yến. Khi đến nhà thí sinh thì thí sinh đang ngủ, đã tiến hành gọi
và yêu cầu thí sinh lên xe và đến điểm thi đúng giờ”.
“Tôi
cho rằng đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của mình khi nhanh chóng đưa học
sinh đến địa điểm thi nhanh nhất và đảm bảo thời gian, không để thí
sinh muộn giờ thi, thiệt thòi cho cả một quá trình phấn đấu của thí
sinh”, Đại uý Lợi cho biết thêm.
Lý
giải lý do vì sao có thể tìm được nhà nữ sinh Yến trong thời gian ngắn
như vậy, Đại uý Lợi tiết lộ, trước khi là Phó trưởng Công an phường Minh
Khai, anh từng là công an địa bàn tổ 5 phường Quang Trung - khu vực em
Yến sinh sống.
Và
đây cũng không phải là lần đầu Đại uý Lợi trở thành “anh hùng” như vậy.
Năm ngoái, vào kỳ thi THPT Quốc gia 2018, có trường hợp thí sinh bị
hỏng xe, Đại uý Vũ Đức Lợi cũng đã có mặt giúp đỡ kịp thời để sĩ tử có
mặt kịp giờ thi.
Về
phần Yến - cô gái may mắn nhất mùa thi THPT Quốc gia 2019, sau khi hoàn
thành tốt bài thi, em mới ngượng ngùng kể về sự cố nhớ đời của mình.
“Bố em mất cách đây đã 2 năm, mẹ đi làm ăn xa. Em là con út trong nhà,
giờ chỉ ở với anh chị. Sáng nay anh chị em đi làm sớm từ lúc 6h nên quên
không gọi em dậy. Em có đặt chuông báo thức nhưng... ngủ quên mất”.
Mùa
thi THPT Quốc gia năm 2019 đã rục rịch với nhóm PV Giáo dục báo điện tử
Người Đưa Tin từ cách đây 3-4 tháng. Sau khi tuyến bài về gian lận thi
cử tại Hoà Bình, Sơn La được dư luận đặc biệt quan tâm, một “điểm nóng”
khác được Ban biên tập báo Người Đưa Tin ưu tiên hàng đầu đó là Hà Giang
- địa phương có tới 144 thí sinh được sửa điểm năm 2018.
Sau
chuyến xe đêm dài đằng đẵng 8 tiếng, rạng sáng 24/6, chúng tôi có mặt
tại đây và cảm nhận rõ rệt không khí căng thẳng trước kỳ thi THPT Quốc
gia 2018.
Sáng
hôm đó, ngay trước thời điểm hàng vạn thí sinh Hà Giang làm thủ tục dự
thi, tôi cùng một vài phóng viên khác có cuộc trao đổi với ông Nguyễn
Thế Bình – Phó Giám đốc phụ trách sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, Phó Trưởng
ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc Gia 2019 tại Hà Giang để tìm hiểu chi tiết
về kế hoạch tổ chức thi tại địa phương đặc biệt này.
“Nghiêm
túc, trung thực, công bằng và an toàn tuyệt đối theo đúng chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019” là
những điều chúng tôi được nghe nhiều nhất trong cuộc trao đổi.
Ông
Bình cũng thừa nhận, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 tại Hà Giang cũng nhận
được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp lãnh đạo và bộ Giáo dục & Đào
tạo.
Cũng
theo ông Bình, đã có hơn 100 văn bản từ ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện,
thành phố cùng 150 văn bản từ ban chỉ đạo thi THPT QG 2019 tỉnh Hà Giang
được phát đi nhằm phục vụ cho kỳ thi “nghiêm túc, trung thực, công bằng
và an toàn tuyệt đối”, với mục tiêu “lấy lại niềm tin từ người dân”.
Câu
chuyện hy hữu nữ sinh ngủ quên được chiến sĩ công an hộ tống đến điểm
thi thành công vốn dĩ sẽ trở thành điều tốt đẹp, cần được biểu dương,
lan truyền rộng rãi. Và đáng lẽ, hình ảnh của người chiến sĩ công an
nhanh nhạy, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao sẽ trở thành hình ảnh
đẹp nhất mùa thi.... nếu hình ảnh các phóng viên - trong đó có tôi -
không lọt vào khung hình.
“Cắt,
diễn tốt lắm”, “Làm gì có chuyện 15 phút mà gọi được dậy đến kịp giờ
thi”, “tại sao phóng viên biết mà chờ sẵn để chụp ảnh”... cùng hàng loạt
bình luận khiếm nhã khác xuất hiện không kiểm soát.
Chúng
ta tỏ ra thông minh và hoài nghi mọi thứ, cho nên, có những thứ tốt đẹp
trở nên nhuốm màu cơ hội. Sự bùng nổ công nghệ số khiến trái đất tròn
trở thành một thế giới phẳng, lòng tốt của anh qua con mắt nghi kị, ganh
ghét, những kẻ tự nghĩ là mình thông minh lại trở thành lòng tốt bị
“bốc mùi”.
Các
suy diễn cá nhân là quyền tự do của các bạn - miễn là đừng “đánh chết”
ai khác, và mọi chuyện chỉ dừng lại ở việc các bạn không phải chịu trách
nhiệm về việc người đó bị làm tổn thương, thậm chí bị sỉ nhục
Tôi
tin, những lòng tốt nhỏ bé và dung dị, những ứng xử văn minh nơi công
cộng cũng như những bong bóng lan toả trên mặt nước. Chỉ cần một điểm
chạm nhỏ, như câu chuyện nữ sinh may mắn ở tỉnh Hà Giang, lòng tốt sẽ
lan truyền được rộng khắp. Vì Mark Twain từng nói: “Lòng tốt là ngôn ngữ
mà người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy”.
Xấu
hổ thay những con ếch ngồi đáy giếng nhưng lại thích đàm thoại chuyện
đời chuyện nghề. Việc làm và hình ảnh người chiến sĩ CA trong câu chuyện
là quá đỗi bình thường, đó là tấm lòng của người Việt Nam. Nhưng trong
XH ngày nay luôn có kẻ xấu xa cố tình xuyên tạc sự thật, chia rẽ tình
cảm con người. Nhiều phóng viên chẳng quản xa xôi vất vả để lấy tin tại
hiện trường, kịp thời động viên khuyến khích hành động tốt, hình ảnh
đẹp. Quan trọng hơn là lật mặt những thói hư tật xấu, tuyên truyền sai
sự thật để người dân cùng biết và cảnh giác.
Nhận xét
Đăng nhận xét